banner
 
Home Page
vanhoc

 
Home
 
Saigon Bao.com
Saigon Bao 2.com
 
Liên Lạc - Contact
 
Liên Lạc - Contact
 
 
 
Tài Liệu
 
Tài liệu
Tài liệu Lưu trữ
Tin tức Lưu trữ
Nguyễn Quang Duy
 
Cần Thiết
 
Directory
 
Phụ Trang
 
Mobile Version
BaoThoiSu.com
BaoPhongSu.com
BaoTuDo.com
 
Disclaimer
SaigonBao.com
1999-2021 All rights reserved
 
 
 
Diem Bao industry lifestyle
 
 
 
 
 
 
Trang Nhà -Tài liệu Dân chủ - Lưu trữ 2007 -Tài liệu Lưu trữ
 
 

VIETNAM NEWS NETWORK (VNN)

P.O. Box 661162

Sacramento, CA 95866

Phone & Fax: 916-480-2724

Email: vnn@vnn-news.com

Website: www.vnn-news.com

 

**********************************
Bản Tin Hàng Ngày

Ngày 19 Tháng 09 Năm 2007

**********************************

 

1- Tin Cộng Ðồng 19-09-07.

- Hạ Viện Hoa Kỳ Ðã Thông Qua Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam HR-3096 Với Tỷ Số 414/3

- Bản Tuyên Bố Của Dân Biểu Loretta Sanchez Ðọc Tại Quốc Hội Ủng Hộ Dự Luật Nhân Quyền VN

- Thủ Tướng Ba Lan Bất Ngờ Vì Biết Một Phóng Viên Người Việt Bị Cấm Vào Dự Họp Báo

2- Tin Việt Nam 19-09-07.

- Nguyễn Tấn Dũng Nói Nếu Ba Lan Tiếp Nhận Luật Sư Lê thị Công Nhân Thì CSVN Sẽ Thả Cho Ði

- Công Ty Bị Phá Sản Quỵt Lương Và Trợ Cấp Thôi Việc Cho Công Nhân

- Nguyễn Tấn Dũng Ði Nữu Ước Ðể Vận Ðộng Ghế Thành Viên Hội Ðồng Bảo An LHQ

- Ăn Chia Tiền Tỷ Khi Thực Hiện Ðề Án 112

- CSVN Thú Nhận: Sản Phẩm Ðề Án 112 Cho Cũng Không Ai Dùng

- Hơn 7 Tỷ Ðôla Dành Cho Dự Án Xây Dựng Thành Phố Bên Bờ Sông Hồng

- Nhiều Chuyến Bay Sài Gòn Ði Ðài Loan Bị Hủy Bỏ Vì Trận Bão Wipha

- Thuế Suất Phá Giá Tôm Của 6 Doanh Nghiệp Việt Nam Tại Mỹ Lên Ðến 25,76%

- Chống Tiêu Cực Bị Khủng Bố Tinh Thần Bằng Vòng Hoa Tang

 

3- Tin Thế Giới 19-09-07

- Ngoại Trưởng Pháp Công Du Hoa Kỳ

- Iran Sẵn Sàng Trả Ðũa Do Thái Nếu Bị Tấn Công

- Cam Bốt: Noun Chea Thủ Lĩnh Số 2 Khmer Ðỏ Bị Bắt

- Một Phụ Nữ Anh Bị Buộc Phải Li Dị Với Con Bin Laden

- Ngoại Trưởng Mỹ Ðến Jerusalem Và Vùng Lãnh Thổ Palestine

- Miến Ðiện: Các Nhà Sư Tiêp Tục Biểu Tình Bất Chấp Bị Ðàn Áp

- Hạ Viện Hoa Kỳ Ðưa Các Biện Pháp Giúp Chủ Nhà Gặp Khó Khăn Trả Nợ

- Ðức Và Gia Nã Ðại Bất Chấp Cảnh Báo Của Trung Quốc Tiếp Ðức Ðạt Lai Lạt Ma

- Quỹ Melinda Gates Giúp 280 Triệu Mỹ Kim Chống Bệnh Lao Thế Giới

- Tân Gia Ba Phạt Một Công Ty Chở Thiết Bị Hỏa Tiễn Cho Iran

 

**********************************

 

1- Tin Cộng Ðồng 19-09-07.

 

- Hạ Viện Hoa Kỳ Ðã Thông Qua Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam HR-3096 Với Tỷ Số 414/3

 

(Hoa Thịnh Ðốn - VNN) Lúc 3 giờ rưỡi chiều ngày hôm qua 18/9/2007, Hạ Viện Hoa Kỳ đã thông qua Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam mang số HR-3096 với tỉ số áp đảo 414 phiếu thuận trên 3 phiếu chống.

Ðây là một thắng lợi đáng kể cho phong trào tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam. Dân biểu Christopher Smith, tác giả của dự luật nhận xét rằng, sau khi CSVN được ca ngợi là đang tiến theo chiều hướng mới, thì họ lập tức truy lùng một số người thuộc thành phần ưu tú nhất, giỏi giang nhất và dũng cảm nhất, những người đã lên tiếng về nhân quyền để đẩy họ vào nhà tù. Hành động đàn áp thô bạo này thật trái lương tâm. Ðạo luật này muốn gửi một thông điệp cho nhà cầm quyền CSVN biết rằng con đường vi phạm nhân quyền sẽ dẫn đến một số biện pháp trừng phạt. Qua dự luật này, Hạ Viện Hoa Kỳ đã lên tiếng mạnh mẽ và tỏ thái độ rõ rệt đối với tình trạng đàn áp nhân quyền và tự do tôn giáo ngày càng gia tăng ở Việt Nam. Dù dự luật còn phải được đưa lên Thượng Viện, hành động của Hạ Viện chắc chắn sẽ tạo áp lực đáng kể đối với Hành Pháp, nhất là Bộ Ngoại Giao về thái độ và chính sách phải có đối với Hà Nội.

Các tổ chức đấu tranh người Việt hải ngoại đã tỏ ra vui lòng với kết quả thắng lợi này, nhưng cũng kêu gọi mọi người sẵn sàng để vận động ở Thượng Viện cho những bước sắp tới. Bà Ngô Thị Hiền, Chủ tịch Ủy ban Tự do tôn giáo cho Việt Nam nói rằng, không như ở Hạ Viện, tại Thượng Viện Hoa Kỳ, bất kỳ một thượng nghị sĩ nào cũng có thể ngăn cản không cho dự luật được đưa ra biểu quyết, giống như Thượng nghị sĩ John Kerry đã từng làm trước đây, và nhắc nhở mọi người phải chuẩn bị ngay cho chặn đường vận động tới đây.

Theo sự phân tích của các chuyên gia, cộng đồng người Việt cần chú tâm đến số Thượng nghị sĩ có khuynh hướng bênh vực Hà Nội hoặc chủ trương phát triển mậu dịch với Hà Nội. Tuy nhiên mọi người cũng cho rằng, năm nay cuộc vận động có nhiều thuận lợi hơn, ngay cả Thượng nghị sĩ John Kerry giờ đây cũng khó mà bênh vực được cho Hà Nội. Tấm hình Linh Mục Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng chính là lời kêu gào đến lương tâm của vị thượng nghị sĩ này và những người như ông ta.

Dự luật HR-3096 do Dân biểu Christopher Smith đệ trình từ tháng Tư năm nay, ngay sau khi CSVN tung ra chính sách đàn áp và bắt bớ các nhà bất đồng chính kiến, và được thông qua chỉ vài ngày trước khi Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CSVN, đặt chân đến Hoa Kỳ.

Trong những tháng qua, nhiều phái đoàn người Việt từ nhiều nơi đã gặp gỡ các vị dân biểu, cũng như gửi thư vận động, để yêu cầu ủng hộ cho dự luật trước khi dự luật được đưa vào Hạ Viện. Nếu được thông qua tại Thượng Viện, dự luật HR-3096 sẽ áp dụng biện pháp chế tài, không tăng các khoản viện trợ không nhân đạo cho đến khi CSVN chứng minh thực tâm qua những tiến triển cụ thể như trả tự do cho tất cả các tù chính trị và tôn giáo, tôn trọng quyền sinh hoạt tôn giáo của các giáo hội, hoàn trả tất cả các tài sản đã tịch thu của các giáo hội, tạo thuận tiện cho người đủ điều kiện tham gia các chương trình tị nạn của Hoa Kỳ, tôn trọng nhân quyền của các dân tộc thiểu số, trừng trị những giới chức dính líu đến việc buôn người.

Ðể theo dõi, HR-3096 đòi hỏi Bộ Ngoại Giao nộp bản phúc trình hàng năm về các diễn tiến ở Việt Nam đối chiếu với các điểm cụ thể. Dự Luật HR-3096 còn dành ngân khoản hai triệu Mỹ kim mỗi năm trong hai năm để phát triển dân chủ ở Việt Nam, qua chương trình tài trợ cho các tổ chức dân sự, và qua quỹ bảo vệ cho những người đấu tranh cho nhân quyền. Dự luật cũng dành cấp khoản trên 10 triệu Mỹ kim để phát triển chương trình phát thanh Á Châu Tự Do để hỗ trợ cho chủ trương phát triển dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, và xã hội dân sự ở Việt Nam.

Dự luật cũng đòi hỏi chính phủ Hoa Kỳ phải mời những nhân vật có tinh thần dân chủ tham gia các chương trình trao đổi văn hóa và học bổng của Hoa Kỳ, cũng như phải có những sinh hoạt nhắm vào việc mở rộng nhãn quan về dân chủ và xã hội dân sự nơi các thành phần tham dự trong các chương trình trao đổi này. Ðặc biệt, dự luật HR-3096 có điều khoản về chính sách tị nạn của Hoa Kỳ, giải quyết cho các cựu thuyền nhân đủ điều kiện nhưng bị loại trừ ra khỏi chương trình Rover, cho các con lai còn kẹt ở Việt Nam, cho những người bị từ chối bất công trong chương trình HO, U11 và V11 trước đây.

Nhận định về cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua, Dân biểu Ed Royce từ California đã gọi đây là một thắng lợi cho dân chủ tại Việt Nam nói riêng và toàn vùng Ðông Nam Á nói chung.

Ông đặc biệt nhấn mạnh về trường hợp Ðài Á Châu Tự Do RFA đang bị CSVN phá sóng, và nói rằng dự luật sẽ giúp tài trợ RFA vượt tường nhiễu sóng để cung cấp thông tin trung thực cho dân chúng Việt Nam đang bị chế độ Cộng sản bưng bít. Dân Biểu Ed Royce đã từng bị Hà Nội phản đối khi ông bí mật tìm gặp Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và cụ Lê Quang Liêm là Hội Trưởng Phật Giáo Hòa Hảo.

Dân Biểu Ed Royce nói rằng ông "vui mừng vì dự luật này được thông qua với tỷ số áp đảo. Ðây là một thông điệp không thể nhầm lẫn được, gửi đến Hà Nội để thấy những hành vi đàn áp nhân quyền của họ là không chấp nhận được."

Trong buổi thảo luận tại Hạ Viện Hoa Kỳ hôm Thứ Hai, Dân Biểu Loretta Sanchez nhắc lại những chuyến đi Việt Nam của bà và lên tiếng, "Ðây là thời điểm quan trọng trong mối liên hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Trước khi được nhận vào WTO vào Tháng Giêng, chính quyền Việt Nam trấn an thế giới rằng họ sẽ thực thi những bước cải tiến đáng kể về nhân quyền... Ðã có nhiều lời hứa, trong 11 năm tôi làm dân biểu, đã có nhiều, rất nhiều lời hứa từ phía chính quyền cộng sản tại Việt Nam mà không có điều nào được thực hiện. Và trong trường hợp này, tất cả những người nào đã từng lên tiếng kêu gọi dân chủ, đòi hỏi trả lại tài sản bị tịch thu, đòi hỏi quyền được thờ phượng tôn giáo mà mình muốn... tất cả đều bị quản thúc, bị bỏ tù."

Vào Tháng Tư, trong chuyến đi Hà Nội, Dân Biểu Loretta Sanchez đã chứng kiến công an hành hung vợ và mẹ của những nhà tranh đấu khi họ tới trước cửa nhà riêng Ðại Sứ Hoa Kỳ Michael Marine theo lời mời của ông này.

Dân Biểu Ed Royce, từng là một tác giả đạo luật lập ra ban Việt ngữ đài Radio Free Asia, lên tiếng, "Với luật này, đài Radio Free Asia sẽ có thể mang tin tức khách quan-sự thật - đến cho người Việt Nam một cách tốt hơn. Sự truyền bá các giá trị dân chủ tại Á Châu là một điều quan trọng cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ".

Trong số 12 đồng tác giả của dự luật HR 3096 tại Hạ Viện có 3 dân biểu đại diện quận Cam: Loretta Sanchez, Dana Rohrabacher, và Ed Royce.

Tại Bắc California, nữ Dân biểu Zoe Lofgren cho hay văn phòng của bà đã vận động và ủng hộ Dự luật này mạnh mẽ, và bà gọi đây là một bài học cho nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Hà Nội đã nhiều lần lên tiếng phản đối dự luật này và vận động một số các Dân biểu và Thượng nghị sĩ đến thăm để bãi bỏ dự luật, nhưng hôm nay dự luật đã được thông qua với một tỉ số áp đảo.

 

=END=

 

- Bản Tuyên Bố Của Dân Biểu Loretta Sanchez Ðọc Tại Quốc Hội Ủng Hộ Dự Luật Nhân Quyền VN

 

(Hoa Thịnh Ðốn-VNN) Văn phòng Dân biểu Loretta Sanchez hôm nay đã cho phổ biến thông cáo liên quan đến việc Dân Biểu Sanchez liên kết với các Dân Biểu Liên Bang Hoa Kỳ ủng hộ Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam 2007, H.R. 3096. Hạ Viện Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua nghị quyết 3096 (H.Res. 3096) với số phiếu 414 -3. Tại buổi họp biểu quyết dự luật ngày hôm qua, bà dân biểu Sanchez đã đọc bản tuyên bố để bày tỏ lòng ủng hộ nhiệt quyết đến với Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam 2007. Bà thảo luận về sự đàn áp nhân quyền mà CSVN đang tiếp tục duy trì. Bà nói đây là thời điểm quan trọng mà Hoa Kỳ cần phải tạo áp lực để chính quyền CSVNthay đổi chính sách đàn áp.

Dưới đây là bản tuyên bố của Dân Biểu Liên Bang Loretta Sanchez về Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam 2007.

 

Bản tuyên bố của Dân Biểu Loretta Sanchez về Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam 2007 Ngày 17 tháng 9 năm 2007:

 

Xin cám ơn Ông Chủ Tịch.

Tôi xin trân trọng gởi lời cám ơn đến bạn đồng sự của tôi cũng như đã chấp nhận cho tôi phát biểu đôi lời về Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam 2007.

Như quí vị đã biết, tôi đại diện cho cộng đồng Việt Nam lớn nhất ở hải ngoại. Tôi đã có cơ hội viếng thăm Việt Nam 3 lần; và mới đây nhất là vào Tháng Tư năm 2007. Trước khi đó, tôi đã bị chính quyền Việt Nam từ chối không cấp visa 3 lần trong vòng 2 1/2 năm vừa qua.

Tôi đứng đây để kêu gọi và ủng hộ bạn đồng sự của tôi cho Dự Luật Nhân Quyền H.R. 3096 vì đây là một thời điểm hết sức quan trọng đối với mối quan hệ với Việt Nam.

Trước khi được gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới vào tháng Giêng, 2007, chính quyền Việt Nam đã cam đoan với thế giới rằng họ sẽ thay đổi và cải thiện về vấn đề nhân quyền mà đôi khi người dân Mỹ không trân quí như: tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thảo luận tập thể, tự do tụ tập khi ao ước, và quan trọng nhất và cũng là một trong những lý do đất nước chúng ta được sáng lập là tự do tôn giáo.

Giống như bạn đồng sự tôi từ New Jersey đã tuyên bố, chúng ta cần phải sắp Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm và nhất là sự vi phạm về vấn đề tự do tín ngưỡng của những người đang sống tại Việt Nam.

Vấn đề này đã được dự đoán trước khi Việt Nam gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới. Rất nhiều lời hứa hẹn đã đưa ra từ phía nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong vòng 11 năm mà tôi làm trong Quốc Hội nhưng không lời hứa nào được thực hành.

Trong một trường hợp cá biệt này, tất cả ai lên tiếng để yêu cầu dân chủ, cho dân chủ, và sự đa đảng ngoài đảng cộng sản - để cho họ có cơ hội lựa chọn; đòi hỏi đất đai mà họ đã bị nhà nước cưỡng đoạt; được tự do tín ngưỡng, được tập hợp 3, 4, hoặc 5 người trên góc phố đơn giản để lên tiếng nói dân chủ.

Tất cả những người lên tiếng nói tự do này đều bị quản thúc tại t ư gia hoặc bị giam cầm. Một trong những nạn nhân là Linh Mục Nguyễn Văn Lý đã bị đưa ra sử án với một phiên toà chỉ kéo dài trong vòng 1 ngày mà không được có luật sư biện hộ.

Một tấm hình rất nổi tiếng đã được quảng bá khắp nơi trên thế giới khi Linh Mục Lý bị công an bịt miệng không cho biện hộ trong phiên tòa vì họ không muốn thế giới nghe được hành vi đàn áp các nhà đấu tranh dân chủ.

Một người đáng tôn kính như Hoà thượng Thích Quảng Ðộ, qua tiếng nói hòa bình để đấu tranh cho nhân quyền và tự do tín ngưỡng tại Việt Nam thì hiện giờ ngài cũng đang bị quản thúc tại gia.

Tuy bị đàn áp nhưng các nhà đấu tranh dân chủ này không sợ hải và tiếp tục lên tiếng nói của họ cho thế giới biết rằng Việt Nam không có nhân quyền. Và rất nhiều bạn đồng sự của tôi từ dãy ghế bên kia hoặc bên đây đều tích cực muốn lên tiếng nói.

Họ được gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới rồi ai họ cũng giam cầm. Tôi đang ở Việt Nam vào tháng Tư vừa qua.

Làm gì có các nhà đấu tranh dân chủ mà gặp, tôi xin phép được vào nhà giam để được gặp mặt những nhà dân chủ đang bị bắt - họ nhìn tôi cười ngạo và không cho tôi được gặp. Họ nói tôi sao dám yêu cầu một chuyện vô lý như vậy và tôi tốt hơn hết không nên đòi hỏi gặp những người đó.

Khi Ðại sứ mở tiệc trà để đón tiếp các bà vợ và mẹ của những nhà đấu tranh dân chủ. Những người phụ nữ này không phải là những người đã từng lên tiếng yêu cầu dân chủ, họ đơn giản chỉ là những người đàn bà yếu đuối lo lắng cho chồng của họ và họ đã tìm tới chúng tôi để biểu lộ tâm trạng của mình. Nhưng họ đã bị ngăn chận và bị phong toả tại tư gia không cho họ đi ra khỏi nhà.

Hai người may mắn trong số phụ nữ đó đã được thoát nạn và bây giờ đã được đăng khắp nơn trên mạng lưới -- khi tôi tới nơi thì có cơ hội gặp mặt 2 người phụ nữ này. Có gần khoảng 25 công an cộng sản bao quanh chúng tôi, ngăn chận không cho chúng tôi nói chuyện và đã lôi kéo một trong 2 người phụ nữ ra ngoài. Ông Ðại Sứ vội bước ra và nói với công an rằng những người phụ này có mặt đơn giản chỉ muốn trò chuyện và uống trà với chúng tôi nhưng họ vẫn không cho.

Ðây có phải là dân chủ hay không? Ðây là nhân quyền mà chính phủ này đã cam kết hay sao? Cho nên hôm nay tôi đứng đây lên tiếng nói để chúng ta nhận thấy và không rơi vào, không chấp nhận chính quyền Việt Nam sa ngã này.

Kính thưa các bạn đồng sự, xin hãy cùng chúng tôi để thông qua Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam 2007. Tôi xin nhường lại thời gian và chân thành cám ơn.

 

=END=

 

- Thủ Tướng Ba Lan Bất Ngờ Vì Biết Một Phóng Viên Người Việt Bị Cấm Vào Dự Họp Báo

 

(Warsaw-VNN) Thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski đã tỏ ra bất mãn khi giới truyền thông đặt câu hỏi về một phóng viên người Việt Nam đã không được vào dự cuộc họp báo, sau buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng Ba Lan và Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng, trong thời gian Dũng đến thăm Ba Lan trong hai ngày vừa qua.

Bản tin của hãng thông tấn PAP của Ba Lan đã loan tin sự việc này và cho biết Thủ tướng Ba Lan đã "bị sốc" về vụ này, và nói với báo chí rằng ông chỉ biết đến vụ việc này từ câu hỏi của phóng viên, và sẽ yêu cầu điều tra làm rõ.

Tòa đại sứ CSVN tại đây cũng như Nguyễn Tấn Dũng đã chối là họ cũng không biết gì về chuyện nữ phóng viên tên Tôn Vân Anh, không được cho phép vào tham dự cuộc họp báo diễn ra trong khuôn viên tòa lâu đài Belweder, bao gồm cả lễ đón tiếp.

Cô này cho biết đã trình bày với các nhân viên an ninh là cô đến không phải để tường trình về Thủ tướng Cộng sản Việt Nam là Nguyễn Tấn Dũng, mà là tường trình về Thủ tướng Ba Lan, nhưng phía người của tòa đại sứ Cộng sản Việt Nam nhất định từ chối không cho cô vào vì cho rằng cô là người của các tổ chức chống cộng tại Ba Lan.

Phóng viên ảnh Jedzej Karpinski là người chứng kiến toàn bộ vụ việc và kịp chụp một vài bức ảnh, cũng bị mời ra ngoài. Anh nói với các hãng thông tấn quốc tế là đây là buổi tiếp tân theo thông lệ bình thường của Ba Lan, tức là mở cửa cho báo chí, nên anh và cả cô Vân đều có tên trong danh sách đã được ghi trước, nên mới được cho phép vào bên trong tòa nhà. Thế nhưng khi vào bên trong hội trường nơi tổ chức họp báo thì các nhân viên an ninh tòa đại sứ đã không cho cô Vân vào.

Trong lúc đó, đã diễn ra một cuộc biểu tình trước tòa lâu đài Belweder, những người Việt tỵ nạn đã mang hình ảnh vụ linh mục Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng và dựng trước cổng tòa lâu đài này, cùng những biểu ngữ phản đối nhà cầm quyền CSVN vi phạm nhân quyền và đàn áp dân chủ cũng như các tôn giáo trong nước. Cuộc biểu tình đã diễn ra trong ôn hòa tại công viên Lazienki ngay giữa trung tâm thủ đô Warsaw và không có điều gì đáng tiếc xảy ra.

Vụ việc này đang gây ra tranh luận sôi nổi trên các trang diễn đàn tiếng Ba Lan có liên quan đến đề tài Việt Nam, kể cả trang mạng của tờ báo thuộc hàng lớn nhất Ba Lan là Wyborcza. Sau cuộc gặp với Thủ tướng CSVN, Thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski nói Ba Lan muốn tiếp tục trao đổi thương mại với hai nước, nhưng cũng cho biết là ông đã đề cập đến vấn đề đàn áp nhân quyền tại Việt Nam, và kêu gọi nhà cầm quyền CSVN phải ngưng ngay những hành động này.

 Mới đây nhất, tổ chức Ân Xá quốc tế tức là Amnesty International với chi nhánh ở Ba Lan cũng đã ra thông cáo yêu cầu Thủ tướng Ba Lan đề cập đến vấn đề nhân quyền, và yêu cầu Thủ tướng Cộng sản Việt Nam phải trả tự do cho những người bất đồng chính kiến hiện đang bị nhà cầm quyền giam giữ.

 

* Phóng viên Vân Anh (bên tái) đang bị an ninh chận lại vì đoàn Việt Nam (bên phải) yêu cầu. Sự vụ được phóng viên Jedrzej Karpinski chụp lại.

 

=END=

 

2- Tin Việt Nam 19-09-07.

 

- Nguyễn Tấn Dũng Nói Nếu Ba Lan Tiếp Nhận Luật Sư Lê thị Công Nhân Thì CSVN Sẽ Thả Cho Ði

 

(Hà Nội - VNN) Nguyễn Tấn Dũng đã về đến Hà Nội sau chuyến công du nhiều nước. Riêng tại Ba Lan, chuyến viếng thăm của Dũng đem lại nhiều điều bất ngờ mà báo chí trong nước không đề cập tới đầy đủ.

Tin từ cô Vân Anh, ký giả đài RFA cho hay, chuyến đi của Nguyễn Tấn Dũng tới Ba Lan đưa đến những ngờ: Bắt đầu là thư ngõ kêu gọi nhân quyền cho Việt Nam gởi tổng thống, thủ tướng và chính quyền Ba Lan, sau đó là cuộc biểu tình nêu giá trị truyền thống Ba Lan bên ngoài phủ thủ tướng. Cuộc hội ngộ của hai vị thủ tướng ngoặt sang một ngõ khác khi báo chí Ba Lan rầm rộ đưa tin về vụ an ninh Việt Nam báo động bất an chỉ bởi sự xuất hiện sự có mặt của ký giả RFA trong phủ thủ tướng.

Kế đó là hôm qua, 17/9 một tin khác lại cho biết: Chủ tịch Thượng viện cộng hòa Ba Lan, ông Jaroslaw Kaczym'ski tiết lộ có tiếp xúc với thủ tướng CHXHCN Việt Nam nói về những quan ngại trước vấn đề hạn chế quyền công dân tại Việt Nam và chính quyền CSVN sẵn sàng thả cô Công Nhân khỏi tù để cô ấy có thể được cư ngụ tại Ba Lan. Tin này được tiết lộ trong thư ngỏ gởi ông Trần Ngọc Thành, chủ tịch Ủy ban bảo vệ người lao động Việt Nam nội dung bức thư sau:

"Ngày 14/9 vừa qua tôi có tiếp vị khách là thủ tướng CHXHCN Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng. Trong cuộc gặp tôi có thổ lộ quan ngại của tôi về những hạn chế quyền công dân tại Việt Nam. Tôi đưa ra danh sách dài tên tuổi các tù nhân chính trị. Tôi có nhắc tới Linh mục Tadeo Nguyễn Văn Lý, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ và cả cô Lê Thị Công Nhân, ông Nguyễn Văn Ðài... những nhà dân chủ tiên phong trẻ tuổi mà hồi tháng hai vừa qua bị kết án nhiều năm tù.

Tôi có nói rằng vấn đề tù nhân chính trị tại Việt Nam cản trở quan hệ chính trị Việt Nam-Ba Lan. Tôi cũng nói rằng tôi đã từng tù nhân chính trị và hiện tôi là Chủ tịch Thượng viện. Ðể trả lời, thủ tướng Việt Nam đã mở lời rằng nếu Ba Lan tiếp nhận cô Lê Thị Công Nhân thì chính quyền Việt Nam sẵn sàng thả cô ấy khỏi tù để cô Công Nhân có thể được cư ngụ tại Ba Lan. Tôi thông báo về cuộc nói chuyện với thủ tướng Việt Nam để hỏi xem bằng cách nào để tôi có thể giúp nhà bất đồng chính kiến đang bị tù, giải thoát cho cô và giúp cô sang Ba Lan".

Cũng nên biết thêm, ông Jaroslaw Kaczyn'ski, đương kim chủ tịch thượng viện Cộng hòa Ba Lan vốn là nhà hoạt động đối lập nhiều năm tại Ba Lan, một trong những người sáng lập Ủy ban bảo vệ người lao động tại Ba Lan, có vai trò khuấy động phong trào đình công. Sau khi Công đoàn Ðoàn kết bị trở thành bất hợp pháp năm 1981 thì ông phải giấu mặt hoạt động bí mật và là một trong những người tiên phong, tù nhân chính trị nhiều lần trong nhiều năm thời Ba Lan còn là Cộng hòa nhân dân Ba Lan.

 

=END=

 

- Công Ty Bị Phá Sản Quỵt Lương Và Trợ Cấp Thôi Việc Cho Công Nhân

 

(Sài Gòn - VNN) Là đơn vị thành viên của Công ty thương mại Toàn Sáng (786A, đường Hưng Phú, phường 11, quận 8, Sài Gòn), Nhà máy đông lạnh Toàn Sáng đi vào hoạt động tại ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò (Ðồng Tháp) từ đầu năm 1998, sử dụng hơn 300 công nhân, đến tháng 9/2006 ngừng sản xuất hoàn toàn, nhưng đến nay vẫn không hề giải quyết tiền lương và trợ cấp bảo hiểm xã hội cho công nhân.

Trong tổng số hơn 300 công nhân, chỉ có 274 người được ký kết hợp đồng lao động. Ðến thời điểm nhà máy ngừng sản xuất, có 37 công nhân nộp đơn xin nghỉ việc nhưng chưa được trả tiền nghỉ việc từ cơ quan bảo hiểm xã hội do công ty chưa nộp đủ bảo hiểm xã hội cho họ. Ðối với 237 công nhân trong thực tế là đã bị mất việc, doanh nghiệp cũng chưa ra quyết định nghỉ việc và chi trả trợ cấp dù tất cả đều có sổ bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, nhà máy còn nợ công nhân 3 tháng tiền lương trước khi ngừng sản xuất hoàn toàn. Tập thể CN phản ánh nhiều lần nhưng nhà máy vẫn không giải quyết.

Ngày 23.8.2007, UBND huyện Lấp Vò tổ chức họp mặt hoà giải giữa đại diện công nhân và Nhà máy đông lạnh Toàn Sáng thì nhận được Quyết định số 17/QÐ-THA và công văn số 657/THA cùng ký ngày 14.8.2007 của cơ quan thi hành án quận 8, Sài Gòn về việc cưỡng chế kê biên tài sản để trả nợ cho các đối tác ở Sài Gòn với số tiền 11 tỷ 399 triệu 978 ngàn 804 đồng, nhưng Công ty thương mại Toàn Sáng vẫn mặc nhiên không kê khai số tiền phải trả cho công nhân ở Ðồng Tháp mất việc (dù theo Luật Phá sản, họ phải được giải quyết ưu tiên).

Quản đốc nhà máy Trần Văn Tuấn (nhận sự uỷ quyền của giám đốc Công ty) hứa cùng cơ quan chức năng ngày 28/8 sẽ tổ chức đối chiếu số liệu về tiền lương và trợ cấp thôi việc, nhưng đến hẹn lại vắng mặt không rõ lý do. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn tiến hành tính toán, xác định số tiền Công ty phải trả là 911 triệu 573 ngàn 700 đồng (bao gồm nợ lương 334 triệu 480 ngàn đồng, nợ bảo hiểm xã hội 353 triệu 223 ngàn 700 đồng, trợ cấp thôi việc 219 triệu 870 ngàn đồng).

Hiện Liên đoàn Lao động tỉnh Ðồng Tháp đã đề nghị cơ quan thi hành án quận 8, Sài Gòn, ưu tiên giải quyết nợ lương và trợ cấp thôi việc cho số công nhân nói trên trong khi cưỡng chế thi hành án.

 

 

*Công nhân Công ty Toàn Sáng vẫn chưa được trả tiền lương và trợ cấp thôi việc dù Công ty đã bị phá sản cả năm nay.

 

=END=

 

- Nguyễn Tấn Dũng Ði Nữu Ước Ðể Vận Ðộng Ghế Thành Viên Hội Ðồng Bảo An LHQ

 

(Hà Nội - VNN) Báo chí CSVN hôm nay đã chính thức loan tin rằng, Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu phái đoàn CSVN đi Mỹ tham dự khóa họp thứ 62 Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) và vận động ghế thành viên Hội Ðồng Bảo An LHQ từ ngày 24 tới 28/9/2007. Việc bỏ phiếu thành viên Hội Ðồng Bảo An LHQ sẽ diễn ra tại Nữu Ước ngày 16/10/2007.

Theo báo trong nước mô tả thì tại Nữu Ước, Nguyễn Tấn Dũng sẽ có các cuộc gặp gỡ song phương với các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu một số tổ chức quốc tế như tổng thư ký LHQ, tổng thư ký Liên Ðoàn Ả Rập... Ngoài ra, phái đoàn CSVN sẽ gặp gỡ, tiếp xúc với các chính giới Hoa Kỳ và cả "cộng đồng người Việt tại Mỹ" nữa.

Ðến ngày 29/9, Nguyễn Tấn Dũng sẽ rời Mỹ đi Pháp, bắt đầu chuyến thăm chính thức kéo dài tới ngày 3/10/2007.

Theo các tin tức từ Nữu Ước, trong khóa họp của Ðại Hội Ðồng LHQ kỳ này, T.T. Mỹ George W. Bush sẽ đến đọc diễn văn vào ngày 25/9 và Dũng sẽ đọc diễn văn vào ngày 26/9.

Một nguồn tin từ Hoa Thịnh Ðốn cho biết thêm là vào ngày 27/9, Dũng sẽ có một cuộc tiếp xúc với giới doanh nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, nguồn tin này nói cuộc tiếp xúc sẽ được tổ chức kín và không cho báo chí tham dự để cho giới đầu tư Mỹ "thẳng thắn hơn" những khó khăn, rắc rối về đầu tư ở Việt Nam tạo ra từ chính sách, luật lệ tròng tréo đến nạn tham nhũng tồn tại từ nhiều năm nay.

Trong khi đó, nhiều tổ chức cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ đang ráo riết chuẩn bị phối hợp biểu tình chống phái đoàn Nguyễn Tấn Dũng. Các tổ chức kêu gọi các cộng đồng, cá nhân người Việt ở Hoa Kỳ và khắp nơi tiếp xúc với các chính phủ, tòa đại sứ của các nước ở Liên Hiệp Quốc để tố cáo chính sách độc tài đảng trị, đàn áp nhân quyền của Cộng Sản Việt Nam.

Họ kêu gọi các nước "không bỏ phiếu ủng hộ Cộng Sản Việt Nam" vào ghế thành viên không thường trực Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vì nhà cầm quyền Hà Nội đã và còn đang tiếp tục vi phạm hiến chương LHQ, công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.

Mặt khác, theo tin phổ biến trên Internet cho thấy nhiều đoàn thể, tổ chức của các cộng đồng người Việt khắp nơi sẽ tụ tập về Nữu Ước trong suốt tuần lễ có cuộc họp của Ðại Hội Ðồng LHQ, đặc biệt là trong ngày có Dũng đọc diễn văn.

Theo dự trù hiện nay, Nguyễn Tấn Dũng sẽ không đi tới bất cứ nơi nào khác tại Hoa Kỳ mà cả 4 ngày đều chỉ ở Nữu Ước mà thôi. Tuy nhiên, theo người hiểu chuyện thì cộng đồng người Việt các nơi vẫn "ứng chiến" để đề phòng âm mưu cho Dũng xuất hiện một vài nơi để tuyên truyền của CSVN.

 

=END=

 

- Ăn Chia Tiền Tỷ Khi Thực Hiện Ðề Án 112

 

(Hà Nội - VNN) Ngoài việc tiếp tục làm rõ hành vi của nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ CSVN Vũ Ðình Thuần vừa bị bắt, cơ quan điều tra CSVN nói sẽ trưng cầu giám định chất lượng các thiết bị tin học được cung cấp trong quá trình triển khai đề án 112.

Các thiết bị được mua từ đâu, xuất xứ sản phẩm thế nào sẽ được làm rõ. Hậu quả thiệt hại do các cán bộ có thẩm quyền gây ra cũng đang được điều tra gấp. Nguồn tin từ cơ quan điều tra cho hay, chỉ riêng việc in ấn giáo trình, mua bản quyền phần mềm đã gây thất thoát khoảng 3,4 tỷ đồng. Trong đó, 1,3 tỷ đồng có dấu hiệu chia chác.

Cơ quan điều tra xác định, các bị can đã có dấu hiệu lợi dụng chức vụ để tư lợi qua việc tổ chức in ấn tài liệu phục vụ đề án tại các địa phương.

Nhà xuất bản Tư pháp do Nguyễn Ðức Giao làm giám đốc, cũng đã bị bắt, nhận in tài liệu, giáo trình... cho đề án. Công việc này sau đó lại được thuê đơn vị khác thực hiện. Tổng công ty phát hành sách (2 phó tổng giám đốc bị bắt) cũng thực hiện theo cách tương tự.

Hiện có tin nói, giá in ấn do Giao cùng những người liên quan nhận cao hơn hẳn so với chi phí thực tế. Cơ quan chức năng ước tính, thất thoát trong vụ in ấn giáo trình, tài liệu của đề án khoảng 2,1 tỷ đồng.

Nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Ðình Thuần bị khởi tố bị can, khám xét nhà riêng, nơi làm việc để điều tra về 2 tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng tội danh này có Lương Cao Sơn - chuyên viên Văn phòng Chính phủ, Thư ký Ban điều hành 112.

Hoàng Ðăng Bảo (chuyên viên Vụ Cải cách hành chính, Văn phòng Chính phủ) bị điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ. Ðây cũng là tội danh điều tra với Nguyễn Ðức Giao (Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp, Bộ Tư pháp); bà Nguyễn Minh Thiệu, Nguyễn Thị Phương Hoa (hai Phó tổng giám đốc Tổng công ty Phát hành sách) cùng 3 cán bộ khác.

112 là đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước đầu tiên ở nước ta khi cải cách hành chính mới đang ở giai đoạn bắt đầu. Theo đánh giá của Ủy ban Khoa học Công nghệ môi trường, Quốc hội khóa XI, qua 5 năm triển khai (2001-2005), đề án đã xây dựng được cổng thông tin điện tử của Chính phủ; hình thành hệ thống thông tin điện tử triển khai rộng với các bộ ngành, địa phương; xây dựng thử nghiệm một số phần mềm dùng chung; phổ cập kiến thức về ứng dụng công nghệ thông tin cho một số lớp cán bộ, công chức...

Nhưng xét toàn diện, đề án chưa đạt được mục tiêu đã đề ra. Theo Ủy ban, phương pháp tiếp cận xây dựng nhiều nội dung của đề án còn thiếu tính hệ thống. Công tác chuẩn hóa và xây dựng các dữ liệu thông tin, kiến trúc dữ liệu... cần được thực hiện trước thì lại không triển khai ngay. Ðiều này, giống như chưa xây dựng quy hoạch khu đô thị đã xây từng ngôi nhà.

Ủy ban còn cho rằng, ý tưởng xây dựng phần mềm dùng chung là chủ trương đúng, tiết kiệm chi phí. Nhưng khi triển khai lại không chuẩn, thậm chí có nơi sai lệch. Công tác đào tạo tiến hành ồ ạt, chưa tính đến nhu cầu và hiệu quả của người sử dụng. Việc đào tạo mang tính hình thức.

27 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 15 bộ, ngành được phân công xây dựng phần mềm dùng chung và triển khai thử nghiệm. Tuy nhiên, Ủy ban nhận thấy các phần mềm này sử dụng kém hiệu quả. Quy trình thiết kế chưa đúng quy chuẩn quốc tế nên còn tình trạng xé lẻ trong xây dựng, trùng lắp trong triển khai.

Trong quá trình chỉ đạo, Ban điều hành không xây dựng được khung chuẩn của hệ thống tin học hóa cho các bộ ngành, địa phương. Việc này dẫn đến đầu tư tùy tiện. Báo cáo của Ban điều hành 112 với Ủy ban cho thấy, đến tháng 9/2003, hơn 3.700 tỷ đồng đã được các bộ ngành địa phương đầu tư thêm trong quá trình triển khai.

Theo quyết định của Thủ tướng, Ban điều hành không có chức năng quản lý nhà nước về công nghệ thông tin. Ban chỉ được quyền thẩm định các vấn đề về kỹ thuật, công nghệ phù hợp với mục tiêu của đề án, không được thẩm định thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán của dự án. Nhưng qua giám sát, Ủy ban nhận thấy, Ban đã tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán. Ðiều này trái với quy định của Chính phủ, tạo nên tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi".

 

=END=

 

- CSVN Thú Nhận: Sản Phẩm Ðề Án 112 Cho Cũng Không Ai Dùng

 

(Hà Nội - VNN) Theo Vũ Ðức Ðam, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông CSVN tài sản có được sau 5 năm triển khai Ðề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước gồm phần mềm dùng chung, PC, thiết bị... sẽ được phát miễn phí cho các bộ, ban, ngành. Tuy nhiên, không mấy đơn vị mặn mà với ý tưởng này.

Ðam cho biết, đây cũng là hình thức để đánh giá thực tế những gì 112 đã làm được. Ðam nói: "Nếu có sức sống, nó sẽ lan toả. Trường hợp không thể tồn tại, Bộ sẽ có kế hoạch tiếp tục hoàn thiện các phần mềm đó. Ðợi sau khi nhận được bàn giao từ Ban điều hành 112, chúng tôi sẽ rà soát và có hướng dẫn cụ thể về việc này".

Tài liệu hướng dẫn của Ðề án 112 sẽ được Bộ Thông Tin Truyền Thông cập nhật trên mạng Internet để mọi người tiếp cận. Các cơ quan nhà nước được khuyến khích sử dụng các phần mềm dùng chung và có thể thuê doanh nghiệp hỗ trợ triển khai.

"Tôi hoan nghênh chủ trương phải có phần mềm dùng chung trong hệ thống quản lý nhà nước để vừa hiện đại hóa quản lý, vừa tiết kiệm", Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Công nghệ thông tin - Bộ Giáo dục Ðào tạo, bày tỏ. "Tuy nhiên, những phần mềm hay sản phẩm được miễn phí cụ thể sẽ là gì? Và quan trọng là chúng phải qua quá trình thử nghiệm để cùng sửa lỗi, cập nhật để có sự lựa chọn tối ưu, chứ không thể cứ cái gì cho không cũng dùng được ngay".

Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Bưu chính viễn thông Sài Gòn nhận định: "Không ai lại đi tiếp nhận cái mà không chạy, không dùng được. Những sản phẩm của 112 phải có sự thẩm định lại rõ ràng".

Một số lãnh đạo của Sở, ban ngành khác không mấy mặn mà với ý tưởng này và cho biết còn phải chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Thông Tin.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ CSVN cũng thông báo ý kiến của Thủ tướng rằng sẽ không tiếp nhận cổng thông tin điện tử thuộc Ðề án 112 về Trung tâm tin học của đơn vị.

Sau 5 năm triển khai, Ðề án 112 đã phá sản và chỉ có 3 phần mềm gồm thông tin điện tử tổng hợp kinh tế - xã hội, quản lý văn bản và hồ sơ công việc, trang thông tin điện tử phục vụ điều hành được thử nghiệm tại 27 tỉnh, thành và 15 bộ, ngành. Theo đánh giá của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội, đây là những công trình kém hiệu quả, tiếng là dùng chung song không thể liên kết ở ngay trong hay ngoài ngành.

 

=END=

 

- Hơn 7 Tỷ Ðôla Dành Cho Dự Án Xây Dựng Thành Phố Bên Bờ Sông Hồng

 

(Hà Nội - VNN) Sông Hồng sẽ trở thành trục không gian chính của thành phố Hà Nội với những cao ốc tài chính quốc tế, chung cư cao cấp, công viên đô thị ở ven bờ sông. Dự trù, vốn đầu tư dự án trên 7 tỷ đôla và phải di dời 39.000 hộ dân để lấy đất đai thực hiện dự án.

Sáng qua 18/9/2007, báo cáo cuối kỳ của Quy hoạch phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội giới thiệu.

Ðồ án đã được các chuyên gia Nam Hàn và Việt Nam lập trong phạm vi 4.200 ha đất và mặt nước, trải dài 40km sông Hồng đoạn qua Hà Nội.

Kế hoạch cải tạo và phát triển đô thị ven sông Hồng chia theo 4 khu vực, với tổng diện tích 1.500 ha. Trong đó, khu vực 1, từ điểm cuối dự án (Chèm) đến cầu Thăng Long; khu vực 2 từ cầu Thăng Long đến cầu Chương Dương; khu vực 3 từ cầu Chương Dương đến gần cầu Thanh Trì; khu vực 4 từ cầu Thanh Trì đến địa điểm bắt đầu dự án (Bát Tràng).

Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội giới thiệu và lấy ý kiến người dân về quy hoạch phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội tại Nhà triển lãm Tràng Tiền, từ ngày 17 đến 29/9.

Khu vực 2 được coi là trung tâm của dự án, chia làm 2 phần. Phía hữu ngạn có diện tích trên 500ha sẽ là trung tâm thành phố với những khu phức hợp quốc tế công nghệ cao, khu cư trú cao cấp liên kết với ven sông Hồng và Hồ Tây. Phía tả ngạn có diện tích 370ha sẽ phát triển thành khu cư trú liên kết với khu đô thị mới Hà Nội, sân vận động thể thao, trung tâm triển lãm quốc tế. Ngoài ra, khu vực này sẽ có khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí...

Theo quy hoạch, khu vực ven sông Hồng đoạn qua Hà Nội trong tương lai sẽ là nơi ở của 97.000 hộ dân, chiếm 50% diện tích, còn lại sẽ dành cho các công trình công cộng và khu thương mại dịch vụ. Trong giai đoạn 1, người dân sống trong khu vực này sẽ được tái định cư ra các khu chung cư khu vực gần cầu Thăng Long, hoặc khu vực cầu Thanh Trì tại giai đoạn 2.

Quy hoạch cũng xác định các vị trí để xây dựng công viên ven sông, khu bảo tồn du lịch, văn hóa để khai thác du lịch, phục vụ nghỉ dưỡng cho người dân. Từng khu vực khai thác như Võng La là khu bảo tồn sinh thái ven sông, Ðông Anh là công viên thể thao tổng hợp, Ngọc Thụy là khu nghỉ dưỡng, Long Biên là khu học tập khám phá sinh thái, Từ Liêm là khu phục hồi sinh thái ven nước, tại Tây Hồ là công viên dành cho cư dân đô thị...

Các chuyên gia Nam Hàn còn đưa ra hướng chỉnh trị dòng sông như chống ngập lụt, tăng khả năng thoát lũ, chống xói mòn đất. Ngoài ra, xây dựng mạng lưới đường ven sông 80km kết nối hai trục Nam Bắc của trung tâm thành phố với vành đai 2 - 4.

Tổng chi phí dự án sẽ là 7 tỷ 99 triệu đôla (tương đương 113.500 tỷ đồng), trong đó, xây dựng các công trình là 1tỷ 924 triệu đôla, bồi thường tái định cư là 1 tỷ 564 triệu đôla. Theo các chuyên gia Nam Hàn, dự án sẽ bao gồm thu hút vốn tư nhân và hỗ trợ của Nhà nước, lợi nhuận thu lại từ bán đất và bán nhà cho dân.

Theo ông Ðỗ Viết Chiến, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, đây là đồ án phức tạp nên phải trải qua quá trình nghiên cứu tới 16 tháng. Quy hoạch sẽ được tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thành vào tháng 11, trình Thủ tướng xem xét phê duyệt.

Sau đó, Hà Nội và Nam Hàn sẽ bắt tay triển khai dự án từ năm 2008 đến năm 2020.

Theo giới quan sát, dự án đô thị hóa này được tiến hành thì sẽ lại có thêm ít nhất 100 ngàn người nhập vào hàng ngũ dân oan khiếu kiện và sẽ kéo dài bắt đầu từ năm 2008 đến 2020, nếu nhà cầm quyền CSVN chưa được toàn dân bứng đi!

 

ảnh 

*Phối cảnh phía bắc sông Hồng. Ảnh: Namwon.

ảnh 

*Phối cảnh khu vực 3. Ảnh: Namwon.

 

=END=

 

- Nhiều Chuyến Bay Sài Gòn Ði Ðài Loan Bị Hủy Bỏ Vì Trận Bão Wipha

 

(Sài Gòn - VNN) Chiều qua 18/9, Vietnam Airlines đã phải hủy bỏ ít nhất 2 chuyến bay từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đi Ðài Loan do đang có bão lớn tại đây.

Cũng hôm qua, còn có hai hãng khác có chuyến bay từ Sài Gòn đi Ðài Loan là China Airlines (2 chuyến) và Eva Airlines (2 chuyến). Cả China Airlines và Eva Airlines đều có 1 chuyến bay bị khởi hành chậm vài giờ so với giờ bay dự trù.

Theo cơ quan khí tượng thủy văn Nhật Bản, lúc 16g chiều qua, bão Wipha ở vị trí 26 độ vĩ Bắc; 121,9 độ kinh Ðông, cường độ mạnh cấp 15, di chuyển theo hướng tây bắc. Một số hãng tin quốc tế cho biết, hôm qua siêu bão Wipha (sức gió mạnh gần 200 km/giờ) đã ảnh hưởng đến phía bắc Ðài Loan mang theo mưa lớn, gió mạnh khiến nhiều văn phòng, trường học, cửa hàng... phải đóng cửa, một số hãng hàng không đã hoãn các chuyến bay quốc tế.

Siêu bão Wipha đang tiến thẳng vào Triết Giang, Thượng Hải (Trung Quốc) khiến hàng trăm nghìn người phải di chuyển đến chỗ an toàn.

 

=END=

 

- Thuế Suất Phá Giá Tôm Của 6 Doanh Nghiệp Việt Nam Tại Mỹ Lên Ðến 25,76%

 

(Hà Nội - VNN) 2 công ty Việt Hải và Grobest được hưởng thuế suất 0%, còn 6 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam khác, là bị đơn xem xét hành chính lần 1 vụ kiện tôm Việt Nam tại Mỹ, vẫn giữ nguyên mức thuế phá giá cũ.

Ðây là kết quả tái xét hành chính (review) lần 1 vừa được Ủy ban Thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố. Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) xác nhận thông tin vào chiều hôm qua 18/9.

Theo Tổng thư ký VASEP Trương Ðình Hòe cho biết, Grobest là bị đơn tự nguyện mới, còn Việt Hải nằm trong danh sách bị đơn bắt buộc của DOC có mức thuế bán phá giá ban đầu là 4,57%. 6 doanh nghiệp bị đơn còn lại có mức thuế suất phá giá bình quân 25,76%.

Mức thuế phá giá này áp dụng cho các lô hàng nhập khẩu vào Mỹ tính từ tháng 8/2004 đến ngày 31/1/2006. Cùng đợt này còn có các nước tôm nước ấm bị Mỹ kiện phá giá cùng xem xét hành chính là Trung Quốc, Ecuador, Thái Lan và Brazil.

Kết quả cuối cùng của các bị đơn Trung Quốc bình quân áp mức thuế từ 0,44 đến 112,81%, Ecuador 0-3,69%. Những bị đơn Thái Lan cũng chịu mức thuế suất 2,58-57,64%, Brazil 4,62-67,8%.

Vào cuối 2004, 54 doanh nghiệp Việt Nam nằm trong danh sách bị đơn vụ kiện tôm đã bị DOC áp mức thuế phá giá thấp nhất là 4,3%, cao nhất 25,76%. Tháng 4/2006, DOC thông báo sẽ tái xét hành chính lần 1 mức thuế chống bán phá giá đã áp đối với các bị đơn VN cùng doanh nghiệp của 5 nước khác.

Toàn bộ bị đơn Việt Nam ghi tên tham gia review lần 1. Giữa tháng 6/2006, 19 doanh nghiệp bắt tay với Liên minh tôm Việt Nam và nộp một khoản tiền lớn để nguyên đơn rút yêu cầu xem xét hành chính đối với mình. 30 tên doanh nghiệp trong danh sách DOC xem xét được VASEP thông báo không tìm được.

Tháng 7 năm ngoái, DOC thông báo đổi danh sách bị đơn bắt buộc từ Amanda Foods, Phương Nam và Fimex như ban đầu, sang Kigimex, Fish One và Seaprodex Hà Nội. 3 bị đơn bắt buộc mới có mức thuế phá giá đang áp dụng từ 4,57% đến 25,76%.

 

 

* Tôm của 6 doanh nghiệp VN bị áp mức thuế phá giá bình quân 25,76%

 

=END=

 

- Chống Tiêu Cực Bị Khủng Bố Tinh Thần Bằng Vòng Hoa Tang

 

(Hà Nội - VNN) Sáng hôm qua 18/9, bà Lê Hiền Ðức, 76 tuổi, trú tại phố Pháo Ðài Láng, Ðống Ða (Hà Nội) nhận được cú điện thoại từ một người hàng xóm báo tin, trước cửa nhà bà có một vòng hoa lớn.

Việc xảy ra quá bất ngờ nên bà không dám mở cửa và cuống quýt gọi điện cho người thân. Tại ngay trước cửa nhà, một vòng hoa dùng trong đám tang có dải băng đen ghi dòng chữ "các con cháu kính viếng".

Công an phường Láng Thượng lập biên bản và tiến hành điều tra làm rõ sự việc.

Bà Ðức tên thật là Phạm Thị Dung Mỹ, một cựu nữ điệp báo của Sở Liêm phóng Hà Nội. Sau kháng chiến chống Pháp, bà chuyển về Hà Nội làm giáo viên tại trường Chu Văn An. Hiện, bà đã về hưu, sống một mình từ nhiều năm nay.

Bà Ðức cho biết: "Từ xưa đến nay tôi không xích mích thù hằn với ai. Có điều tôi là "bà già lắm chuyện" hay tố giác tiêu cực nên có nhiều người không ưa".

Hơn một năm qua, bà đã quyết tâm làm tất cả mọi việc để phanh phui những vụ việc tiêu cực trong ngành giáo dục của Hà Nội.

Bà cho biết: "Ngày 28/9, Thanh tra thành phố Hà Nội sẽ phải trả lời tôi kết quả thanh tra về những tiêu cực diễn ra tại các trường tiểu học Nguyễn Khả Trạc (quận Cầu Giấy); Trường THCS Việt Nam - Angiêri (quận Thanh Xuân) mà tôi đã phản ánh. Nếu kết quả không thỏa mãn, tôi sẽ tiếp tục kiến nghị lên Bộ Giáo dục và Ðào tạo.

Bà Ðức kể, ngoài chiếc vòng hoa "quái gở" này, thời gian qua bà còn nhận được rất nhiều cú điện thoại nặc danh, với những lời lẽ chửi bới, đe dọa: "Nếu không ngừng việc chống tiêu cực, ra đường sẽ bị xe tông".

 

=END=

 

3- Tin Thế Giới 19-09-07

 

- Ngoại Trưởng Pháp Công Du Hoa Kỳ

 

(Paris - VNN) Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner hôm nay 19-09 lên đường đi Mỹ lần đầu tiên viếng thăm Hoa Kỳ từ khi nhậm chức, vào thời điểm khủng hoảng hạt nhân Iran đẩy Pháp-Mỹ tiến gần nhau từ sau ngày ông Nicolas Sarkozy đắc cử hồi tháng 5-2007. Xuất thân từ đảng Xã hội đối lập, rất được lòng dân, ông Kouchner được chính phủ cánh hữu mời giữ ghế ngoại giao. Ngoại trưởng Pháp viếng thăm Mỹ rất được chính phủ George W. Bush hoan nghênh, nhất là về thái độ cứng rắn của Paris đối với Iran cũng như thiện chí vượt qua đám mây mù giữa hai nước về vấn đề Iraq. Vấn đề thông qua một dự thảo nghị quyết mới trừng phạt Iran tại Hội Ðồng Bảo An, hay một sự trừng phạt ngoài Liên Hiệp Quốc trong khuôn khổ Âu Châu, sẽ là tâm điểm thảo luận giữa ông Kouchner và bà Condoleezza Rice. Nga vừa lên tiếng chống lại biện pháp trừng phạt Iran, do đó có nhiều xác xuất Mỹ và Âu Châu nghĩ ra cách trừng phạt Tehran ngoài khuôn khổ Liên Hiệp Quốc.

Trong những ngày qua, báo chí và dư luận quốc tế nói đến khả năng Âu Châu và Mỹ tấn công các cơ sở hạt nhân Iran. Quan điểm của Pháp và Mỹ gặp nhau ở chỗ "ra tay trước khi quá tr". Iran có bom hạt nhân trong tay, một hiểm họa lớn lao hơn đối với thế giới. Hôm 16-09 ông Kouchner đưa ra nhận định gây nhiều phản ứng, rằng thế giới phải chuẩn bị tình huống xấu nhất, có nghĩa là khả năng một cuộc chiến tranh với Iran có thể xảy ra nếu thương thuyết bất thành. Ông Kouchner cũng yêu cầu Âu Châu trừng phạt và thương thuyết tới cùng để tránh Iran thủ đắc vũ khí hạt nhân. Phản ứng trước báo chí, ông Kouchner nói: "Người ta đặt vấn đề với tôi, hỏi kịch bản xấu nhất có nghĩa gì? Tôi nói 'xấu nhất là chiến tranh; tôi không nói 'tốt nhất là chiến tranh'". Ông còn lưu ý các công ty Pháp về ý muốn đầu tư vào Iran. Ngày 17-09 Hoa Thịnh Ðốn đã chào mừng "quan điểm rõ ràng và nghiêm chỉnh của Pháp". Nhớ lại rằng ngày 27-08 Tổng thống Sarkozy đã lên giọng khi tuyên bố rằng chính sách gia tăng trừng phạt đối với Tehran có mục đích cho phép tránh một thảm họa: "Iran có bom, hay phải oanh tạc Iran".

Trước chuyến công du Mỹ của Ngoại trưởng Kouchner, Hoa Kỳ đã bày tỏ ý muốn thắt chặt quan hệ với Paris xóa tan mây mù ngoại giao giữa hai nước dưới thời Tổng thống Jacques Chirac chống cuộc chiến Iraq. Sau khi tiếp xúc với các lãnh đạo Mỹ, Ngoại trưởng Pháp sẽ tiếp xúc với các đồng viện và lãnh đạo một số nước tham dự Ðại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở Nữu Ước. Nhiều cuộc họp đang chờ đợi thảo luận về Darfur, Kosovo hay Iraq.

 

Première visite à Washington de Bernard Kouchner en pleine crise iranienne

* Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner công du Mỹ.

 

=END=

 

- Iran Sẵn Sàng Trả Ðũa Do Thái Nếu Bị Tấn Công

 

(Tehran - VNN) Phản ứng sau vụ phản lực cơ Do Thái tấn công một vị trí tình nghi chứa thiết bị hạt nhân Syria ngày 6-9, hôm 19-09 một giới chức cao cấp không quân Iran khẳng định các oanh tạc cơ nước này có khả năng trả đũa ồ ạt nếu bị Do Thái tấn công. Tướng Mohammad Alavi, phó tư lệnh không quân Iran tuyên bố được AFP trích dẫn: "Chúng tôi có một kế hoạch trả đũa trong trường hợp Do Thái có hành động điên cuồng dội bom Iran". Phản ứng về tuyên bố này, Hoa Kỳ lên án Iran khiêu khích. Phát ngôn tòa Bạch Ốc, Dana Perino, gay gắt: "Tuyên bố của một tướng lãnh không quân Iran là không cần thiết, thiếu xây dựng, và không nêu khiêu khích. Do Thái không tìm cách gây chiến với các nước láng giềng". Các chuyên gia quân sự tây phương nhận định lực lượng không quân Iran đã lỗi thời. Ða số chiến đấu cơ mua của Mỹ trước cuộc cách mạng hồi giáo 1979. Tạp chí Jan’s của Anh đã kê khai Iran hiện có 287 phi cơ, trong đó có các loại chiến đấu cơ F-14, và F-4, F-5 sản xuất từ những năm 1960, và các F-7 Trung Quốc nhạy theo kiểu Mig-24 Sô Viết, loại Mig-29, và Mirage F-1 được dùng trong cuộc chiến chống Iraq.

 

* Phản lực cơ của Iran đa số đã lỗi thời.

 

=END=

 

- Cam Bốt: Noun Chea Thủ Lĩnh Số 2 Khmer Ðỏ Bị Bắt

 

(Nam Vang - VNN) Hãng Reuters và AFP hôm 19-09 đồng loạt loan tin, cảnh sát Cam Bốt đã tiến hành bắt giữ nhân vật số 2 Khmer đỏ Noun Chea dưới sự chứng kiến của công tố tòa án đặc biệt quốc tế và Cam Bốt. Theo phóng viên Reuters, Noun Chea bị bắt tại nhà riêng ở miền bắc Cam Bốt đưa ra trực thăng chuyển về thủ đô Nam Vang. Noun Chea năm nay 82 tuổi được đàn em gọi biệt danh là "Anh Hai". Dưới chế độ Khmer đỏ từ 1975-1979, "Anh Hai" chỉ dưới quyền Pol Pot là người đề ra chính sách thanh lọc và diệt chủng tại Cam Bốt; trên 1,7 triệu người chết vì đói, bệnh và bị hành quyết. Noun Say, con trai của Noun Chea cho biết, sáng sớm cảnh sát đã bao vây ngôi nhà, sau đó tiến vào bắt giữ y và lục soát căn nhà nằm nơi khá hẻo lánh. Noun Chea sẽ là lãnh đạo Khmer đỏ cao cấp nhất bị đưa ra xét xử. Một trong những tội ác của Noun Chea có thể bị truy tố là đã ra lệnh cho Duch ngày 5-1-1979, tức 2 ngày trước khi chế độ sụp đổ, giết tất cả tù nhân còn sống trong trại tập trung S-21. Nhưng 7 người trong số này may mắn trốn thoát, sẽ là những nhân chứng chủ chốt trong phiên xử Noun Chea. Trong cuộc họp báo tháng 12-1998 loan báo hiệp ước hòa bình giữa Khmer đỏ và nhà cầm quyền Hun Sen, Noun Chea đã đưa ra lời xin lỗi người dân Cam Bốt sống sót trong thời kỳ Khmer đỏ cai trị. Trước đó chỉ có Duch, người đã từng quản trị trại tử thần Toul Sleng bị giam giữ chờ xét xử. Tòa án hỗn hợp quốc tế và Cam Bốt đang điều tra 4 cựu lãnh đạo Khmer đỏ khác, tên chưa được công bố, nhưng người ta nghĩ có Khieu Samphan, Noun Chea và Ieng Sary; họ thường nói rằng mình vô tội. Trong tiến trình thành lập tòa án đặc biệt xét xử tội ác Khmer đỏ, nhà cầm quyền Hun Sen cố tình gây khó khăn trì hoãn, trong ý đồ kéo dài thời gian mong các cựu Khmer đỏ chết già để khỏi bị đưa ra xét xử, có thể liên lụy hay hoen ố thanh danh của chính Hun Sen, người xuất thân từ hàng ngũ Khmer đỏ và đàn anh Trung Quốc.

 

Nhà Nuon Chea trong rừng

* Noun Chea định sống ẩn dật cuộc đời còn lại, song phải trả lời trước công lý.

 

=END=

 

- Một Phụ Nữ Anh Bị Buộc Phải Li Dị Với Con Bin Laden

 

(London - VNN) Một phụ nữ Anh đã kết hôn với một trong số con trai của thủ lĩnh mạng lưới khủng bố quốc tế Osama bin Laden hôm 19-09 loan báo li dị vì gia đình bên chồng phản đối. Tin này được nhật báo The Sun số ra hôm nay loan tải được AP trích dẫn. Jane Felix-Browne, 51 tuổi đã lên tới chức bà Nội, gốc người ở Moulton, một thị trấn nhỏ miền tây bắc Anh quốc, đã kết hôn tại Ai cập và Á rập Saudi với Omar bin Laden 27 tuổi, sau khi hai người quen biết nhau trong chuyến du lịch của bà Browne ở Ai cập. Báo Sun trích lời bà Felix-Browne cho biết các thành viên của gia đình Bin Laden cảm thấy bị sỉ nhục vì Omar cưới một bà Anh. Theo báo này thì Felix-Browne đã xác nhận chồng nhí của bà bị đe dọa qua những cú điện thoại, mà bà không thể tiết lộ nguồn gốc: "Người ta nói Omar sẽ không là chồng tôi, phải vào tù may mắn hơn là chết." Omar biết người bên kia đầu dây là ai nhưng từ chối nói với vợ. Sau cú điện thoại Omar nói: "mạng sống cả hai đang nguy hiểm". Bà Felix-Browne nói rằng bà thấy hạnh phúc với cuộc hôn nhân này, nhưng bà không thể ở lại chờ đợi chồng bị giết. Nhật báo Sun cũng cho biết Omar bin Laden sáng nay xác nhận "chấm dứt" cuộc chung sống. Con trai bin Laden kết luận, "Tôi thích chung sống với người đàn bà này, nhưng không thể chờ đợi một kết thúc bi thảm cho cả hai".

 

* Bà Jane Felic-Browne bị buộc phải ly dị với con trai Osam bin Laden.

 

=END=

 

- Ngoại Trưởng Mỹ Ðến Jerusalem Và Vùng Lãnh Thổ Palestine

 

(Shannon - VNN) Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice hôm 19-09 đến Jerusalem thảo luận với các giới chức Do Thái và sau đó đến tiếp xúc với các lãnh đạo Palestine. Ðây là chuyến đi thứ 6 của bà Rice đến Cận Ðông kể từ đầu năm nay. Bà Rice sẽ thảo luận với nhân vật số 2 Do Thái, Haĩm Ramon và Ngoại trưởng Tzipi Livni. Tối nay bà Rice sẽ hội kiến với Thủ tướng Ehud Olmert tại Jerusalem. Ngày mai 20-09 bà Rice sẽ bay tới Ramallah thảo luận với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Thủ tướng Salam Fayyad. Các đề tài thảo luận chính là nghị trình ngày họp quốc tế mà Hoa Thịnh Ðốn dự trù tổ chức vào mùa Thu để khởi động đợt thảo luận hòa bình Do Thái-Palestine, bị bế tắc từ trên 7 năm qua. Trên chuyến bay đưa bà Condoleezza Rice đến Cận Ðông đã nói với báo chí là bà mong muốn tổ chức một hội nghị quốc tế vào mùa Thu này một cách nghiêm chỉnh để "thúc đẩy hòa bình Do Thái-Palestine". Hoa Kỳ chưa loan báo ngày hội nghị quốc tế nhưng có thể diễn ra vào tháng 11. Cho đến nay các nước được mời vẫn còn giữ kín. Bà Rice sẽ trở lại Hoa Thịnh Ðốn ngày 21-09 để tham dự một loạt cuộc họp song phương bên lề Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại Nữu Ước. Trong đó có cuộc tiếp xúc với Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner, một đồng minh của Mỹ, về hồ sơ Iraq và Iran.

 

* NT Condoleezza Rice đến Jerusalem.

 

=END=

 

- Miến Ðiện: Các Nhà Sư Tiêp Tục Biểu Tình Bất Chấp Bị Ðàn Áp

 

(Rangoon - VNN) Hôm 18-09 theo tin AP có trên 1.400 nhà sư biểu tình tuần hành tại thủ đô Rangoon; họ vừa đi vừa tụng kinh được nhiều tín đồ phật giáo chấp tay theo sau bất chấp lực lượng an ninh đã dàn ra sẵn sàng đàn áp. Ðoàn biểu tình các nhà sư đã đi qua nhiều đường phố tại Rangoon, sau cùng đã bị lực lượng cảnh sát bắn lựu đạn cay giải tán. Hôm nay 19-09 trên 300 nhà sư đã tổ chức một cuộc tuần hành cầu nguyện mới tại trung tâm Rangoon, trong khi nhà cầm quyền quân sự ra lệnh đóng cửa một ngôi chùa nổi tiếng, Shwedagon, nơi các nhà sư từ xa về tạm trú trong các cuộc biểu tình trước. Theo một thông tín viên AFP có mặt tại chỗ và nhân chứng cho biết, một đoàn khác gồm hàng trăm nhà sư đã tuần hành từ sáng sớm ở phía đông Rangoon. Tính đến 14g30 chiều ngày 19-09 chưa có một đụng độ nào xảy ra. Các cuộc tuần hành này một lần nữa là dấu hiệu thách thức nhà cầm quyền quân sự âu lo từ hơn 1 tháng nay. Làn sóng biểu tình phản đối lan rộng sau khi cho tăng giá nhiên liệu gây khó khăn nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Từ ngày 19-08 đã có mấy mươi người trong hàng ngũ đối lập bị bắt giữ, trong số này có một số nhà sư trẻ. Giống như hôm qua, 300 nhà sư đến chùa Shwedagon nhưng nhà cầm quyền đã đóng chốt tất cả lối vào. Ngôi chùa nổi tiếng này cũng là nơi thu hút nhiều du khách. Các nhà sư quyết định tiếp tục đi bộ trên đường phố miệng đọc kinh to hơn; họ mang cả cờ tôn giáo. Hàng trăm người hiếu kỳ đội mưa cũng đọc kinh theo khi đoàn nhà sư đi ngang trong khi lực lượng chống bạo động chuẩn bị vũ khí trong tư thế sẵn sàng chờ lệnh đàn áp.

Ngày 5-9 vừa qua sau một vụ đàn áp tại thành phố Pakokku (cách Rangoon 500 cây số về phía bắc), một nhóm nhà sư đã bắt giữ hàng chục viên chức địa phương tại một ngôi chùa phóng hỏa đốt xe họ, nhiều giờ sau mới thả ra. Nhiều tổ chức Phật giáo đã đòi nhà cầm quyền quân sự xin lỗi vì đã đánh dập các nhà tu hành rất được tôn kính tại Miến Ðiện. Quân đội cai trị Miến Ðiện bằng súng đạn từ 1962, tướng Than Shwe đứng đầu hội đồng tướng lãnh đã không tha thứ bất cứ chống đối nào. Lãnh đạo đối lập chính, bà Aung San Suu Kyi đã bị quản thúc tại gia từ năm 2003, mất tự do trong 18 năm qua. Một nhà phân tích chính trị Miến Ðiện sống lưu vong ở Thái Lan nói rằng sự thách thức của các tu sĩ Phật giáo có lẽ là thách thức chính trị lớn nhất đối với nhà cầm quyền quân sự. Theo ông thì chính phủ rất lo ngại vì hành động này có thể đưa tới những cuộc phản đối rộng lớn hơn. Nếu cuộc đấu tranh của các nhà dân chủ và giới tăng lữ Miến được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa của cộng đồng quốc tế, chế độ quân phiệt Miến i vào thế lâm nguy.

 

* Các nhà Miến Ðiện tiếp tục biểu tình tại Rangoon.

 

=END=

 

- Hạ Viện Hoa Kỳ Ðưa Các Biện Pháp Giúp Chủ Nhà Gặp Khó Khăn Trả Nợ

 

(Hoa Thịnh Ðốn - VNN) Cuộc khủng hoảng nổ ra trên thị trường địa ốc khi các ngân hàng cho những người mua nhà vay tiền một cách dễ dãi, đang gặp khó khăn ảnh hưởng dây chuyền tới một số nước. Hạ viện Mỹ đề ra các biện pháp giúp chủ nhà thương lượng lại hợp đồng vay tiền để họ tránh bị các ngân hàng hay các tổ chức tài chánh xiết nhà. Các biện pháp này được hạ viên thông qua ngày 18-09 nhằm giúp mở rộng chương trình quản lý nhà đất của chính phủ Liên bang giúp các chủ nhà thương lượng lại các điều khoản ghi trong hợp đồng vay tiền mua nhà. Những người có tín dụng kém, mức thu nhập trung bình và thấp có thể sẽ hội đủ điều kiện nhận được trợ giúp của chương trình này của chính phủ liên bang. Dự thảo luật của Hạ viện còn phải đưa lên Thượng viện biểu quyết. Phúc trình mới đây của một công ty địa ốc Mỹ được phổ biến trên mạng Internet nói rằng, số chủ nhân bất động sản đứng trước nguy cơ bị mất tài sản thế chấp do chưa thanh toán nợ mua nhà ngày càng tăng. Phúc trình cho biết, các tổ chức tài chánh cho vay trong tháng 8 đã giải quyết đến trên 240.000 sở hữu động sản không trả nợ nổi. Nhằm ổn định thị trường tài chánh đang chao đảo, tránh cho kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, hôm 18-09 Ngân hàng Trung Ương Mỹ đã quyết định giảm lãi suất xuống 0,5%, còn lại 4,75%. Lãi xuất này đã không thay đổi từ 4 năm qua.

 

=END=

 

- Ðức Và Gia Nã Ðại Bất Chấp Cảnh Báo Của Trung Quốc Tiếp Ðức Ðạt Lai Lạt Ma

 

(Berlin - VNN) Hồi đầu tuần chính phủ Ðức do Thủ tướng Angela Merkel lãnh đạo, thông báo sẽ tiếp lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma vào ngày 23-09. Theo gương Ðức, Thủ tướng Gia Nã Ðại Stephen Harper ngày 19-09 loan báo cũng dự định sẽ tiếp Ðức Ðạt Lai Lạt Ma vào tháng tới. Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo chính phủ Ðức về việc tiếp xúc chính thức lãnh đạo Tây Tạng lưu vong ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao. Bắc Kinh gọi lãnh đạo tinh thần Tây Tạng đội lớp tôn giáo cầm đầu phong trào đòi ly khai của người Tây Tạng. Phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói rằng Ðức Ðạt Lai Lạt Ma không đơn thuần là một nhà lãnh đạo tôn giáo, mà là một chính trị gia lưu vong tham gia vào các hoạt động đòi ly khai. Do đó Trung Quốc phản đối mọi tiếp xúc chính thức với Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, và kêu gọi Ðức hãy quan tâm đến quan hệ giữa hai nước. Tuần trước Trung Quốc đã triệu tập đại sứ Ðức tại Bắc Kinh để phản đối cuộc gặp gỡ chính thức này. Về phần Thủ tướng Gia Nã Ðại, Stephen Harper cho biết ông đã ngưỡng mộ Ðức Ðạt Lai Lạt Ma từ khi ông còn lãnh đạo đối lập.

 

Stephen Harper

* Thủ tướng Gia Nã Ðại Stephen Harper.

 

=END=

 

- Quỹ Melinda Gates Giúp 280 Triệu Mỹ Kim Chống Bệnh Lao Thế Giới

 

(Seatle - VNN) Theo tin đài VOA, Hội từ thiện của ông bà Bill Gates loan báo sẽ giúp 280 triệu đôla trong vòng 5 năm nghiên cứu các loại thuốc chích ngừa mới chống bệnh lao. Chứng bệnh này vẫn còn là mối nguy hiểm vì vi trùng lao lờn thuốc đã giết hại 2 triệu người trên thế giới hàng năm, đặc biệt tại các nước nghèo. Theo thông cáo của quỹ Melinda Gates, 200 triệu đôla trong tổng số tiền ủng hộ sẽ dùng thực hiện các cuộc thử nghiệm lâm sàng trên khắp thế giới cho 6 loại chủng ngừa mới tìm ra. 62 triệu đôla dành để phát minh những cuộc xét nghiệm chẩn đoán chính xác hơn, và 18 triệu đôla dùng vào việc tìm ra những cách điều trị mới giúp chống lại vi trùng lờn thuốc. Cho đến nay vợ chồng Bill Gates lập ra qũy từ thiện mang tên hai người Melinda Gates, đã đóng góp số tiền lớn lao dùng vào việc chống Aids và giúp trẻ em nghèo trên thế giới. Mới đây Tòa án Thương Mại Âu Châu đã bác bỏ kháng cáo của tập đoàn Microsoft của Bill Gates, y án tòa dưới phạt công ty này gần trên nửa tỉ đôla về tội độc quyền thương mãi lấn át các công ty nhỏ hơn về chương trình Window Media Player cài trong hệ điều hành Windows. Số tiền phạt này còn kém xa các khoản tiền mà Bill Gates đã đóng góp vào qũy từ thiện.

 

ap_bill_gates_melinda_121805_150

* Bill và vợ Melinda

 

=END=

 

- Tân Gia Ba Phạt Một Công Ty Chở Thiết Bị Hỏa Tiễn Cho Iran

 

(Singgapor - VNN) Hãng Reuters ngày 19-09 loan tin, chính phủ Tân Gia Ba đã phạt một công ty vận chuyển hàng hóa số tiền lên tới 14.500 đôla vì đã chở các thiết bị hỏa tiễn của Bắc Hàn tới Iran không có giấy phép. Nhật báo Straits Times trích lời ông Victor Seah, phát ngôn Hải quan Tân Gia Ba rằng hải quan đã khám phá những vi phạm của công ty Word Freight Pte Ltd từ tháng 8-2006. Phát ngôn hải quan cho biết thêm, công này đã thừa nhận chở những hàng hóa bị liệt vào dạng "chiến lược" không giấy phép. Theo luật Tân Gia Ba, Hải quan trách nhiệm kiểm soát hàng hóa, vận chuyển và quá cảnh, đặc biệt các loại hàng chiến lược có thể sản xuất các vũ khí sinh - hóa học và hạt nhân.

 

=END=

 

**********************************

 
 
 
Home Page
 
 
 
Tài Liệu
 
Tài liệu
Tài liệu Lưu trữ
Tin tức Lưu trữ
Nguyễn Quang Duy